Hoạt động thương mại tại cửa khẩu giữa Mãn Châu Lý với Nga sôi động đến mức chính quyền thành phố phải ra quy định cho phép thông quan suốt ngày đêm để đáp ứng lưu lượng hàng hóa qua lại quá cao.
Tại thành phố biên giới này,ànhphốTrungQuốcpháttàinhờquanhệnồngấmvớfi88 xe tải, xe container xếp hàng nối đuôi nhau chờ thông quan ở phía Trung Quốc. Các tuyến đường sắt chở hàng của Trung Quốc tới Nga cũng đi qua Mãn Châu Lý.
"Xuất khẩu sang Nga năm nay tăng gần gấp đôi so với năm ngoái", đại diện một công ty thương mại ở Mãn Châu Lý cho hay, thêm rằng mặt hàng xuất khẩu chính là thiết bị xây dựng do Trung Quốc sản xuất.
"Xuất khẩu ôtô đã qua sử dụng của các hãng nội địa Trung Quốc như Trường Thành, Chery sang Nga cũng tăng trưởng", giám đốc điều hành một công ty thương mại khác cho biết.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Nga và Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 8 là 155,1 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho hay con số cả năm sẽ đạt mức kỷ lục 200 tỷ USD. Thương mại hàng hóa giữa hai nước năm 2022 đạt 190,2 tỷ USD.
Quan hệ giữa Nga và Trung Quốc trở nên nồng ấm kể từ khi phương Tây tung loạt lệnh trừng phạt chưa từng có nhắm vào Moskva vì chiến sự Ukraine. Đối mặt với các biện pháp hạn chế của Mỹ và châu Âu, Nga quay sang tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc.
Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Nga tăng khoảng 62% so với cùng kỳ năm trước, lên 71,8 tỷ USD. Xuất khẩu ôtô và linh kiện tăng gấp 4,5 lần và hiện chiếm khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu.
Các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản và châu Âu từng chiếm lĩnh thị phần Nga. Tuy nhiên, nhiều thương hiệu nổi tiếng trong ngành này đã rời khỏi Nga từ khi chiến sự Ukraine bùng nổ hồi tháng 2/2022, khiến nhu cầu về xe do Trung Quốc sản xuất tăng mạnh ở Nga.
Từ tháng 1 tới tháng 7, Trung Quốc xuất sang Nga khoảng 420.000 xe, chiếm khoảng 16% tổng lượng xe xuất khẩu của nước này, tăng 12% so với cùng kỳ.
Nhật Bản hồi tháng 8 mở rộng lệnh cấm xuất khẩu ôtô sang Nga, áp dụng thêm đối với ôtô có động cơ 1,9 lít trở lên cũng như xe đã qua sử dụng. Nga bắt đầu phụ thuộc nhiều hơn vào xe do Trung Quốc sản xuất.
Xuất khẩu thiết bị điện và điện tử gia dụng của Trung Quốc sang Nga từ tháng 1 đến tháng 8 tăng 37% về giá trị so với cùng kỳ, trong khi giày dép và các mặt hàng liên quan tăng 54%.
"Nhập khẩu điện thoại di động, máy tính cá nhân và các sản phẩm tương tự từ phương Tây đã giảm mạnh, trong khi Xiaomi và các thương hiệu Trung Quốc khác đang mở rộng thị phần ở Nga", Takafumi Nakai, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế NIS và Nga ở Tokyo, cho biết.
Thương mại bùng nổ biến Mãn Châu Lý thành đô thị sầm uất. Ở trung tâm thành phố, các nhà hàng ẩm thực Nga nằm san sát. Trong các nhà hàng, phụ nữ Nga mặc trang phục truyền thống nhảy múa phục vụ khách hàng.
"Tôi đến Mãn Châu Lý khoảng hai tháng trước", một vũ công đến từ thành phố Vladivostok ở vùng Viễn Đông Nga cho biết. "Trung Quốc là một nơi tuyệt vời vì tôi có thể kiếm tiền ở đây".
Trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu 83,2 tỷ USD hàng hóa từ Nga, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Dầu thô, than đá, khí đốt tự nhiên và các sản phẩm công nghiệp năng lượng khác chiếm khoảng 70% con số trên.
"Ấn Độ đang tăng cường nhập khẩu dầu thô và các mặt hàng khác từ Nga, nhưng hầu như không xuất khẩu sang nước này", Nakai nhận xét. "Trung Quốc và Nga đã cân bằng cán cân xuất nhập khẩu và duy trì quan hệ phụ thuộc lẫn nhau".
Hồng Hạnh(Theo Nikkei)