Bị coi là "đạo văn"
Sinh viên này kể lại: "Mình có nghe giảng viên nhắc nhở dùng AI viết tiểu luận thì sẽ tính đạo văn nếu bị phát hiện,ùngAIviếttiểuluậnmộtsinhviênkhócròngvìbịtrừđiểmẹ nam hải nhưng mà mình đâu biết là giảng viên sẽ phát hiện được đâu hu hu. Hôm bữa giảng viên phát bài ra, mình nhận điểm mà xỉu ngang vì cô phát hiện bài viết dùng AI và trừ điểm".
Sinh viên này cho biết sau một hồi nghe giảng viên giải thích thì đã hiểu ra là ngoài AI thì nếu dùng những phần mềm dịch thuật từ Việt sang Anh cũng có nguy cơ tính là AI, và cũng bị kiểm tra đạo văn.
"Mong rằng câu chuyện của mình sẽ là bài học để các bạn cẩn trọng hơn khi học những môn viết. Mình bị trừ 50% số điểm, không biết kỳ này có qua môn được không nữa", sinh viên này chia sẻ.
Được biết hiện nay có hàng chục công cụ AI có thể sử dụng để tạo nội dung theo từ khóa hoặc câu hỏi, là công cụ đắc lực cho nhiều nghề nghiệp của nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục đào tạo.
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM, cho biết: "Nhà trường không cấm sinh viên dùng AI hỗ trợ việc học. Tuy nhiên, giảng viên và sinh viên phải minh bạch, nêu rõ tên công cụ AI có sử dụng và hiểu rõ những hạn chế của AI".
Theo vị đại diện này, trường đã phát triển một số ứng dụng AI dựa trên API của OpenAI cho giảng viên và sinh viên sử dụng để nâng cao hiệu quả học tập và giảng dạy. "Bên cạnh đó, các khoa đang tích cực thay đổi phương pháp đánh giá người học để thích ứng với việc sử dụng AI ngày càng nhiều. Khi cần thiết, nhà trường có sử dụng một số dịch vụ có trả phí để phát hiện việc dùng AI", đại diện Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học thông tin thêm.
Công cụ hỗ trợ chứ không "nghĩ thay, làm thay"
Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, cho biết trường hiện chưa có quy định cụ thể về việc sinh viên sử dụng AI để làm bài kiểm tra, tiểu luận, khóa luận.
"Tuy nhiên làm tiểu luận, khóa luận thì có hội đồng chấm hoặc bảo vệ, sinh viên dùng AI mà giảng viên phát hiện ra thì sẽ bị chấm rớt. Theo tôi, AI cũng như Google vậy, nó là một công cụ hỗ trợ. Nếu biết cách sử dụng để hỗ trợ cho việc học thì rất tốt, còn nếu copy y chang cho bài học có chấm điểm thì chắc chắn không được", tiến sĩ Duy chia sẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng sinh viên sử dụng AI làm bài tiểu luận, khóa luận, báo cáo... cũng chính là cách áp dụng công nghệ vào học tập, nghiên cứu và công việc sau này.
"Nhưng chỉ nên coi AI như một trợ lý để hỗ trợ đắc lực cho học tập, công việc, nhờ đó có thêm nguồn thông tin tham khảo để chọn lọc và hệ thống kiến thức, hiểu vấn đề và giải quyết vấn đề theo cách của mình chứ không đơn thuần chỉ là sao chép kiến thức. Sử dụng như vậy chắc chắn AI sẽ phát huy hiệu quả", thạc sĩ Dung nhận định.
Trong khi đó, PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình, Trưởng bộ môn kinh tế học Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết mình cho phép sinh viên sử dụng AI vì nếu cấm thì sẽ đi ngược với xu thế của thời đại 4.0. Tuy nhiên PGS-TS Tình sẽ dùng phần mềm để kiểm tra đạo văn.
"Thời 4.0 phải thay đổi cách dạy, cách đánh giá truyền thống. Quan trọng là đánh giá khả năng tổng hợp, phân tích, và sáng tạo của sinh viên. Các em sẽ ý thức được hậu quả nếu phụ thuộc vào công nghệ. Vì vậy Bộ GD-ĐT và các trường cần nghiên cứu đưa ra quy định chung và giảng viên chỉ nên khuyến cáo, cảnh báo sinh viên", PGS-TS Tình nhận định.
Với Trường ĐH Hoa Sen, quy định về việc này cụ thể hơn. Ông Nguyễn Tiến Lập, Trưởng phòng đào tạo, cho hay: "Trường hợp sinh viên đạo văn trên từ 20% đến 50% trên toàn bài, giảng viên yêu cầu viết lại bài và trừ 25% đến 50% điểm toàn bài. Bên cạnh đó, sinh viên phải tự viết một bài nhận định về ảnh hưởng của đạo văn trong khoảng 500 từ hoặc phải tham gia buổi sinh hoạt chuyên đề về đạo văn do trường tổ chức. Trong 2 tuần nếu sinh viên không thực hiện sẽ nhận quyết định kỷ luật khiển trách cấp trường".
Theo ông Lập, đây là quy định hiện hành liên quan đến đạo văn đối với hành vi dùng công cụ AI để làm tiểu luận, khóa luận của trường. "Trường đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và đang triển khai xây dựng, cập nhật vào quy định liêm chính học thuật, cụ thể hóa từng hình thức xử lý", ông Lập thông tin thêm.